Ngẫm nghĩ trường ngoại - trường nội
(TBKTSG) Có những phụ huynh chưa giàu, phải bớt ăn, bớt mặc, tiết kiệm đủ thứ, làm thêm đủ nghề để cho con học trường quốc tế. Không phải vì sĩ diện, cho oai với bạn bè hoặc người thân mà vì rất nhiều lý do “đáng đồng tiền bát gạo”.
Hình ảnh trường Hội nhập Quốc tế iSchool Trà Vinh
Đầu tiên là các trường quốc tế không có hàng rong trước cổng trường. Khỏi sợ con em mình ăn vặt với thực phẩm trôi nổi, không đảm bảo vệ sinh. Trong trường cũng không có đội Sao Đỏ cứ “canh me” các bạn để “méc” với thầy cô lấy thành tích. Không có các phong trào thi đua chay theo chỉ tiêu, chào mừng này nọ. Không có “Đôi bạn cùng tiến” và nhiều thứ cùng khác.
Ấn tượng nhất là cách xếp chỗ ngồi. Lớp học thường trên dưới 20 em nên tha hồ xoay xở. Mỗi tuần bàn ghế lại được xếp mới. Bạn nào cũng có dịp được ngồi gần nhau xoay vòng. Không có việc ám ảnh vì phải ngồi chung bàn hay gần những bạn “đầu gấu” suốt cả năm học. Trường ngoại chủ yếu đề cao vai trò chủ động từng học sinh, khuyến khích tự lập, hòa đồng và chia sẻ, chứ không có kiểu đôi bạn khép kín hoặc bè nhóm.
Dù là chương trình chung của Bộ Giáo dục nhưng các môn có giáo viên riêng. Giáo viên gần gũi, sâu sát, kịp thời phối hợp với phụ huynh trong chuyện học, chuyện chơi. Không thấy việc “đại bàng con” trong lớp bắt nạt các bạn yếu. Cũng không phải đi họp Hội Phụ huynh mà toàn bàn chuyện đóng góp đủ thứ và thi đua của lớp. Việc tận dụng các phương tiện công nghệ thông tin cho chuyện học và giữ liên lạc với phụ huynh được làm bài bản. Phụ huynh không phải điên đầu xếp hàng, chạy chọt, cậy nhờ và cả hối lộ cho con vào các trường điểm, lớp chọn. Học sinh phải tự vươn lên và khẳng định mình, không thể cậy thế mẹ cha hay quan hệ.
Thích nhất là bọn trẻ không phải học thêm, tốn gấp cả chục lần học phí. Học mờ mắt, loạn trí vì không còn giờ chơi. Ở trường ngoại, đi học là niềm vui. Chiều nào tan học, con tôi cũng ríu rít kể chuyện lớp, chuyện trường. Về nhà chỉ xem lại vở, làm bài tập chừng 15-20 phút. Nhiều hôm chúng tự làm ở trường nên về nhà tha hồ chơi. Cặp học cũng nhẹ tênh, sách vở chỉ vài cuốn. Trường ngoại không có các danh hiệu thi đua “tự sướng”, làm khổ cả thầy cô, học sinh và phụ huynh.
Thú thật, ban đầu tôi đã tính cho con học trường chuẩn quốc gia. Nhưng ngồi cân nhắc mọi thứ, tôi thay đổi ý định, dù rất khó khăn, nhất là khoản học phí. Tính toán kỹ, học trường ngoại “lời” hơn học trường nội. Từ cách học, cách dạy, cách chơi đến việc đưa đón học thêm cho tới đủ thứ lo lắng và cả bực dọc vì những thực tế bất cập của trường nội. Chưa kể, cùng tốt nghiệp phổ thông nhưng sản phẩm trường ngoại ăn đứt trường nội về ngoại ngữ và kỹ năng sống.
Giáo viên nước ngoài đang hướng dẫn các em trong một tiết học tiếng anh
Các em học sinh trường Hội nhập quốc tế iSchool Rạch Giá thắng giải Nhà Khoa học trẻ do tập đoàn Nguyễn Hoàng tổ chức giúp các em phát triển tư duy
Viết những dòng này không phải để quảng bá cho trường ngoại. Chỉ mong trường nội phải triệt để thay đổi tư duy giáo dục. Dấu ấn bao cấp, độc quyền, xin cho, lãng phí và bệnh hình thức vẫn còn đậm nét. Đó là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực sinh sôi, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Có người sẽ bảo tôi so sánh khập khiễng. Tiền đâu mà làm như trường ngoại. Thiết nghĩ, cốt lõi không phải ở tiền vì suy cho cùng, tiền chỉ là phương tiện.
Thay vì phải khổ sở học thêm đủ thứ, khổ nhất là đưa đón, sao không đưa tất cả vào trong trường, vừa tiện lợi cho cả học sinh, thầy cô lẫn phụ huynh. Trường công, trường tư phải rạch ròi. Trường công sao lại có học phí? Học phí gì mà chưa tới 100.000 đồng mỗi tháng? Mấy đội Sao Đỏ với đủ thứ chỉ tiêu và các phong trào thi đua là do ngành đề ra để tự làm khổ mình, trong khi phụ huynh và xã hội không yêu cầu và cũng không muốn?...
Xin mượn lời của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, thay lời muốn nói về sự cấp bách phải chấn chỉnh giáo dục nước nhà:
Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong thi cử.
Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ dỏm. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỹ sư tồi. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kế toán lưu manh. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo xằng bậy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán ba trợn...
“Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”. “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới”.
Tất cả đều do giáo dục mà ra.